Đăng bởi: Liên Anh - Obhāsā | 17/09/2015

NGUYỄN TRÃI – NGƯỜI CON TOÀN THIỆN CỦA DÂN TỘC, DANH NHÂN VĂN HOÁ NHÂN LOẠI

NHỮNG GƯƠNG MẶT
TIÊU BIỂU THI CA VIỆT NAM

KỲ THỨ 5

NGUYỄN TRÃI
– NGƯỜI CON TOÀN THIỆN CỦA DÂN TỘC,
DANH NHÂN VĂN HOÁ NHÂN LOẠI

                                Kiều Văn

Trong thế kỉ XV, dân tộc Việt Nam đã sản sinh ra một con người toàn thiện: Nguyễn Trãi (1380 – 1442). Nếu lấy sự toàn thiện làm tiêu chí thì Nguyễn Trãi xứng đáng là con người ưu tú nhất của dân tộc ta kể từ khi lập quốc (thời đại Hùng Vương) đến nay.

Ông chính là mẫu người mà thi hào Anh Shakespeare đã ca ngợi trong vở kịch Hamlet:

Đây con người, một con người toàn vẹn
Chẳng bao giờ tôi thấy kẻ sánh ngang.

Lê Thánh Tông, ông vua anh minh, có câu thơ ca ngợi Nguyễn Trãi:

Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo.

(Ức Trai lòng dạ sáng sao Khuê).

Tiên nho Nguyễn Năng Tĩnh ở nửa cuối thế kỉ XIX đã viết một câu nổi tiếng trong lời tựa sách Ức Trai di tập (do ông cùng Dương Bá Cung và Ngô Thế Vinh sưu tầm lại những tác phẩm của Nguyễn Trãi đã bị tán thất, rồi đem in thành sách năm 1868): “Những người có tài trí lỗi lạc, đức độ bao la, khi đem tài đức ấy thi thố ra việc làm thì đó là sự nghiệp, khi thổ lộ ra lời nói thì đó là văn chương”.

Nhận định ấy đã được chính sử Việt Nam và sự nghiệp văn chương trác tuyệt của Nguyễn Trãi xác nhận.

Chúng tôi xin phân tích những phương diện đã làm nên sự toàn thiện của Nguyễn Trãi như sau:

NGUYỄN TRÃI – NHÀ ÁI QUỐC VĨ ĐẠI, ANH HÙNG DÂN TỘC

Sử sách còn ghi chuyện chàng thanh niên Nguyễn Trãi khóc theo cha đến tận ải Nam Quan khi cha ông là Nguyễn Phi Khanh bị giặc Minh bắt giải về Kim Lăng. Cuộc đời Nguyễn Trãi bắt đầu bằng thảm kịch “nước mất nhà tan”. Chính “mối hận Nam Quan” đã nhen nhóm ngọn lửa của lòng yêu nước thương nòi trong tâm khảm Nguyễn Trãi để một ngày kia nó bùng cháy thành hoả diệm sơn của một sự nghiệp anh hùng.

Trong những năm bị giặc Minh giam lỏng ở Đông Quan, Nguyễn Trãi đã kí thác niềm u uất và chí vọng của mình trong những bài thơ nôm:

Góc thành nam lều một gian
No nước uống, thiếu cơm ăn…
Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải,
Góc thành nam lều một gian.

(Thủ vĩ ngâm)

… Một thân lẩn quất đường khoa mục,
Hai chữ mơ màng việc quốc gia.
Quân thân chưa báo, lòng canh cánh
Tình phụ cơm trời, áo cha.

(Vô đề)

Nung nấu chí vọng “đền nợ nước, báo thù nhà”, khi nghe tin Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, Nguyễn Trãi bèn trốn khỏi Đông Quan tìm vào Thanh Hoá gặp Lê Lợi, dâng Bình Ngô sách, được Lê Lợi trọng dụng. Ông đã đồng cam cộng khổ với nghĩa quân Lam Sơn suốt mười năm kháng chiến. Một mình ông đảm trách cả một mặt trận quan trọng: mặt trận chính trị ngoại giao. Với sở học uyên bác, trí tuệ sắc bén, ông đã liên tiếp gửi thư cho bọn tướng giặc, đánh những đòn cân não làm tan rã tinh thần của chúng.

Cuối cùng Nguyễn Trãi đã thực hiện được ước mơ cháy bỏng của ông: đánh đuổi được giặc Minh, mang lại độc lập cho đất nước. Chính ông đã thay mặt Lê Lợi viết bản Bình Ngô đại cáo tổng kết chiến thắng oanh liệt của dân tộc:

Chẳng những mưu kế cực kì sâu xa
Mà cũng xưa nay chưa từng nghe thấy.
Xã tắc do đó vững bền,
Non sông từ đây đổi mới.
Trời đất bĩ rồi lại thái,
Nhật nguyệt mờ rồi lại trong.
Để mở nền thái bình muôn thuở,
Để rửa mối sỉ nhục ngàn thu!

(Bản dịch trong Đại Việt sử kí toán thư)

Ngay cả khi bị bọn lộng thần đố kị, vu cáo, thậm chí bị hạ ngục, khiến ông buộc lòng phải hai lần xin về trí sĩ tại Côn Sơn, tấm lòng ưu quốc ái dân của ông vẫn không lúc nào nguôi:

Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông.

(Thuật hứng)

Làm quan dưới hai triều Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông, ông đã ra sức chèo lái con thuyền của triều đình nhà Lê đi đúng con đường chính đạo mà tinh thần căn bản là thực hành nhân nghĩa để yên dân. Điều đặc sắc ở vị đại quan Nguyễn Trãi là khái niệm ái quốc luôn được cụ thể hoá bằng khái niệm ái dân, cận dân. Nói cách khác, với ông, chính lòng ái dân là thước đo tuyệt đối của lòng ái quốc! Có lẽ chỉ trừ một người thứ hai là vua Lê Thánh Tông, không một vị vua quan nào của triều Lê đạt tới ý niệm tuyệt vời đó. Và cũng chính vì tư tưởng khuynh dân đó mà Nguyễn Trãi trở thành thù địch của bọn quan lại triều Lê – những kẻ ít nhiều đều mắc căn bệnh vị kỉ viễn dân. Có thể nói Nguyễn Trãi đã tử vì… tinh thần khuynh dân đó!

Trọn cả cuộc đời cống hiến cho nước, cho dân, lập được những kì tích sáng chói, Nguyễn Trãi trở thành một anh hùng dân tộc vĩ đại, kế tục truyền thống của Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo… đời trước, sát cánh với người anh hùng cứu nước Lê Lợi đương thời.

Chủ nghĩa anh hùng yêu nước của ông thể hiện rất rõ nét trong nhiều trước tác văn chương của ông như Bình Ngô đại cáo, Quân trung từ mệnh tập, thơ nôm và thơ chữ Hán mà sau đây là một bài tiêu biểu:

ĐỀ GƯƠM

Rồng ẩn Lam Sơn lúc đợi thời,
Trong tay thế sự rõ mười mươi.
Xoay đời, trời sáng sinh vua giỏi,
Gặp bạn, hùm thiêng nổi gió tài.
Hận nước nghìn năm vừa rửa sạch,
Hòm vàng muôn thuở chắc không phai.
Giang sơn đổi mới từ đây nhỉ,
Thử đếm anh hùng được mấy ai?

Xuân Thủy dịch

NGUYỄN TRÃI – NHÀ CHÍNH TRỊ KIỆT XUẤT, BẬC HIỀN TÀI QUỐC GIA.

Nguyễn Trãi tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và cộng sự với triều đình nhà Lê với tư cách một nhà chính trị, một nhà mưu lược. Ông đã thi thố tài kinh bang tế thế trên các mục tiêu chiến lược: đánh đuổi giặc Minh, giành lại độc lập cho đất nước, xây dựng triều đại Hậu Lê thành một triều đại hưng thịnh. Bên cạnh đó ông xây dựng một sự nghiệp văn chương kì vĩ.

Suốt cuộc kháng chiến chống Minh, Nguyễn Trãi đã tỏ rõ ông là một nhà chính trị kiệt xuất có tầm tư tuởng cao nhất của thời đại bấy giờ. Đánh giặc đương nhiên phải dùng tới vũ dũng. Nhưng đối lập với những kẻ hữu dũng nhưng vô mưu, vô trí, vô nhân, Nguyễn Trãi, với tầm vóc của một nhà tư tưởng, nhà chiến lược quân sự, vị quân sư của Lê Lợi, đã cống hiến và đặt nền móng tinh thần, tư tưởng cho cuộc kháng chiến. Đó là tư tưởng nhân nghĩa mà ông rút từ học thuyết Nho Giáo của Khổng Tử nhưng được áp dụng một cách đầy sinh động và sáng tạo vào hoàn cảnh nước ta lúc đó. Cao kiến ấy của Nguyễn Trãi, nhà Hồ cũng như nhà Hậu Trần trước đó đều không có được. Nó đáp ứng khát vọng cháy bỏng của nhân dân ta đương thời, khiến cho tất cả mọi người Việt Nam từ bậc hào kiệt, giới sĩ phu, dân cày cuốc đến kẻ cùng đinh đều hướng về và quây quanh vị chủ tướng Lê Lợi. Muôn người cùng có chung một suy nghĩ lớn: NGHĨA, và một tình cảm lớn: NHÂN. Chính sự thống nhất cao độ về lí trí và tình cảm ấy đã tạo nên sức mạnh “chở thuyền lật thuyền”, khiến giặc Minh không thể nào chống lại nổi!

Tư tưởng nhân nghĩa trác việt ấy luôn luôn được Nguyễn Trãi triệt để cổ súy, nhấn mạnh ở mọi nơi, mọi lúc, trên chính trường, trên nghị luận và trong văn chương. Mở đầu Bình Ngô đại cáo – bản tuyên ngôn độc lập của Việt Nam thế kỉ XV – ông viết:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

Chỉ với hai câu văn, Nguyễn Trãi đã xác định rõ ràng mục tiêu quang minh chính đại của cuộc kháng chiến chống Minh: đó chính là việc thực thi tư tưởng nhân nghĩa trong hoàn cảnh chống ngoại xâm. “Cẩm nang” nhân nghĩa là vũ khí tinh thần tối quan trọng cho nghĩa quân và nhân dân Đại Việt, đồng thời là độc tố làm rệu rã tinh thần của bọn giặc Minh xâm lược. Có thể nói Nguyễn Trãi đã sử dụng tài tình nghịch lí “gậy ông đập lưng ông”: ông dùng chính những luận điểm kinh điển của tư tưởng Trung Hoa từng được các bậc thánh hiền như Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Mặc Tử… đúc kết mà bọn tướng Minh đều đã học thuộc nằm lòng, để quật lại chúng. Giặc Minh kéo sang An Nam với chiêu bài “chính nghĩa” là diệt nhà Hồ để khôi phục ngôi nhà Trần đã bị nhà Hồ thoán đoạt. Nhưng Nguyễn Trãi đã vạch rõ bộ mặt xâm lược phi nghĩa của chúng chỉ bằng một từ duy nhất: “bạo”! Chiêu bài “chính nghĩa” bị xé toạc, bộ mặt bạo ngược, bất nhân phi nghĩa của giặc bị phơi bày trước trời đất, trước toàn thể sĩ phu và nhân dân ta: chỉ riêng điều đó cũng đã đủ khiến chúng vô cùng hoảng sợ. Đòn cân não ấy xuất phát từ một khối óc thiên tài: Nguyễn Trãi.

Khác với rất nhiều vị vua và các tướng lĩnh giỏi của các thời đại, trong nước và trên thế giới, Nguyễn Trãi – xuất phát từ tư tưởng nhân nghĩa – hiểu thấu hơn ai hết cái chân lí lớn máu người không phải nước lã. Chính vì vậy, ông ra sức dùng đòn bút, đòn cân não để đánh giặc, nhằm làm giảm bớt tối đa xương máu của nghĩa quân Lam Sơn. Việc quân ta chủ trương trường kì vây hãm Đông Quan mà không ồ ạt tiến công hạ thành cũng chính nhằm bảo toàn lực lượng của ta, và kết quả thật kì diệu: giặc Minh rốt cuộc phải đầu hàng, còn nghĩa quân Lam Sơn hầu như không mất một mũi tên, một mạng người!

Ở phần cuối Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết: “Ta coi toàn quân là hơn, để dân nghỉ sức”. Tinh thần nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đối với quân và dân ta nồng đượm biết chừng nào!

Là nhà tư tuởng tầm vóc nhân loại, Nguyễn Trãi chủ trương áp dụng nhân nghĩa cho tất cả những ai là con người chứ không riêng gì người An Nam. Một sáng kiến vĩ đại của ông là mang nhân nghĩa áp dụng ngay cả với kẻ thù! Ông chủ trương “mưu phạt tâm công, không chiến cũng thắng”. Ông chỉ muốn đánh vào tâm vào trí giặc khiến chúng bại vong rút về nước chứ không thích giết nhiều người. Ngay cả khi tính mạng giặc hoàn toàn nằm trong tay nghĩa quân, các lãnh tụ Lam Sơn đã hành động theo tinh thần “oai thần không giết, ta cũng thể lòng trời mở đức hiếu sinh”.

Khởi đầu bằng một cuộc đấu tranh vũ trang, nhưng nhờ có tư tưởng nhân nghĩa làm kim chỉ nam, phần cuối của cuộc kháng chiến chống Minh đã diễn ra bằng hình thức “đàm phán hoà bình”. Giặc Minh ở các lộ được tự do đến các chợ mua “đồ lưu niệm”, rồi tất cả lục tục kéo về Đông Quan để rút hết về nước. Không ai khác, chính Nguyễn Trãi là tác giả của hình thức kết thúc chiến tranh hiếm thấy đó trong lịch sử chiến tranh phương Đông.

Hiệu quả của hành động kết thúc chiến tranh bằng tư tưởng nhân nghĩa ấy thật vô cùng to lớn: một trang sử mới hoà hiếu đã mở ra giữa hai nước An Nam – Trung Hoa và duy trì suốt hơn bốn trăm năm cho đến khi thực dân Pháp sang xâm lược nước ta vào nửa cuối thế kỉ XIX (trừ một giai đoạn rất ngắn quân Thanh kéo sang nước ta theo lời kêu gọi của Lê Chiêu Thống nhưng lập tức bị vua Quang Trung tiêu diệt).

Từ xưa đến nay, chỉ những bậc đại nhân đại trí như Nguyễn Trãi mới chọn nhân nghĩa (hay chủ nghĩa nhân đạo) làm nền tảng cho sự nghiệp của mình. Họ chủ trương giải quyết những vấn nạn của nhân loại trên cơ sở lương tri cao cả của con người. Đối lập với họ là bọn bạo chúa của các thời đại (như phái pháp gia đời Tần hoặc Thành Cát Tư Hãn và Hốt Tất Liệt thời Nguyên Mông…) – những kẻ chủ trương xây dựng sự nghiệp trên xương máu và thảm hoạ của muôn dân mà thi hào Nguyễn Du đã mô tả bằng một câu “Dãi thây trăm họ làm công một người”. Con đường nào đúng? Đó là một câu hỏi hóc búa đòi hỏi phải có những kiến giải tối ưu đặt ra cho những người muốn đi tìm chân lí của môn lịch sử.

Nguyễn Trãi tiếp tục phát huy tư tưởng nhân nghĩa trong thời bình, khi ông phụng sự dưới hai triều Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông thông qua việc tổ chức triều chính, ban hành các chính sách kinh tế xã hội… Đằng sau các lệnh chỉ của vua, của triều đình, người đọc sử có thể thấy rõ mồn một cái hạt nhân trí tuệ và tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi. Ví dụ các lệnh chỉ sau đây: tiến cử và tự tiến cử hiền tài; sát hạch trình độ của các quan văn võ trong toàn quốc; cấm rượu chè cờ bạc; đào tạo các con quan văn võ tại Trường quốc học; phân chia ruộng đất cho tất cả mọi người, từ quan đại thần đến người cùng đinh, đàn bà goá, trẻ mồ côi; cho phép các ngôn quan được dâng sớ vạch rõ những sai lầm khiếm khuyết của vua, đàn hặc những sai trái của các quan; cấm quan lại không được mở rộng đất đai ngoài mức triều đình qui định v.v…

Trong sớ tâu với vua Lê Thái Tông, Nguyễn Trãi đã viết một câu bất hủ: “Xin bệ hạ yêu muôn dân để cho tận chốn thôn cùng xóm vắng không còn nghe thấy tiếng ta thán, thế mới là không mất cái gốc của nhạc”.

Những đóng góp của Nguyễn Trãi – nhà tư tưởng, nhà chính trị kiệt xuất, bậc hiền tài quốc gia – đã giúp cho triều đại Hậu Lê tiến bộ vượt bậc và đạt tới cực thịnh vào đời Lê Thánh Tông. Nguyễn Trãi xứng đáng sánh ngang với các nhà chính trị lỗi lạc của mọi thời đại.

NGUYỄN TRÃI – MỘT NHÂN CÁCH VĨ ĐẠI

Ngoài những cống hiến vô cùng lớn lao cho đất nước, Nguyễn Trãi được toàn thể dân tộc tôn vinh còn vì nhân cách cao cả của ông.

Con người có nhân cách là người biết tự trọng, quyết chí tu thân, có lí tưởng sống cao đẹp và suốt đời hành động theo lí tưởng đó.

Ngay từ khi còn rất trẻ, Nguyễn Trãi đã mang nặng hoài bão nhập thế giúp đời. Thiên tài của ông đã may mắn gặp được bậc minh quân, được trọng dụng trong công cuộc vĩ đại: đánh đuổi giặc ngoại xâm, đem lại nền thái bình thịnh trị cho đất nước. Ông đã hào hứng viết:

Xoay đời, trời sáng sinh vua giỏi,
Gặp bạn, hùm thiêng nổi gió tài.

(Đề gươm)

Tài năng và nhân cách của ông đã làm nên hình tượng người anh hùng của thời đại chống ngoại xâm.

Nhưng nhân cách ông càng thực sự sáng ngời trong những nghịch cảnh của đời ông diễn ra giữa thời bình nhưng đầy dẫy phiền lụy của một triều đại phong kiến. Ngay dưới triều Lê Thái Tổ, do những lời sàm tấu của lũ quan lại trong triều (vu cho ông tội âm mưu nổi loạn, cướp ngôi!), ông đã bị nhà vua hạ ngục. Trong nghịch cảnh ấy, ông đã nén lòng uất hận, đã đặt bi kịch cá nhân mình xuống dưới sự nghiệp lớn lao của nhà Hậu Lê, dưới nền thái bình của xã tắc:

Trung côi, ghét lắm, bao đau xót,
Hoạ thực danh hư khéo nực cười.
… Trong lao “độc bối” cam mang nhục,
Cửa khuyết làm sao tỏ khúc nhôi?

(Than nỗi oan) – Thạch Can dịch

Mang cốt cách đại trượng phu, Nguyễn Trãi không bao giờ thoả hiệp, về hùa với những tà kiến của một số triều thần. Vì vậy, ông trở thành cái gai trước mắt họ. Bị họ bài xích, cuối cùng ông đành phải xin vua Lê Thái Tông cho về trí sĩ ở Côn Sơn (những năm 1437 – 1438). Lâm vào một nghịch cảnh mới, ông đã xử sự như thế nào?

Trước hết, ông nhận thức được “trong cái rủi có cái may”! Vì bị xua đuổi mà ông có được một dịp tốt nhất để chính mình chiêm nghiệm cuộc sống ẩn cư, từng được coi là điều tuyệt thú của bao hiền sĩ đời xưa, trong đó có ông ngoại của ông là Trần Nguyên Đán. Không chịu để cho bi kịch của cuộc sống thế tục đè bẹp, ông vươn lên tầm cao, hoà nhập vào đại tự nhiên cực kì diễm lệ. Hình ảnh của ông khác nào một tiên ông, một thánh nhân giữa núi non, mây nước, cây cỏ, chim muông:

Đủng đỉnh chiều hôm giắt tay,
Trông thế giới phút chim bay.
Non cao non thấp mây thuộc,
Cây cứng cây mềm gió hay…

hoặc:

Thiêu hương đọc sách quét con am
Chẳng bụt chẳng tiên ắt chẳng phàm.
Ánh cửa trăng mai lớp lớp,
Kề song gió trúc nồm nồm…

Trong những hoàn cảnh đặc biệt, người ẩn sĩ quay lưng lại với cuộc đời, khẳng định bản lĩnh và phẩm chất cá nhân của mình. Xét theo tinh thần của chủ nghĩa nhân bản, đó là một biểu hiện không những hợp lí mà còn tuyệt đẹp nữa. Vì vậy mà những ẩn sĩ như Bá Di, Thúc Tề, Sào Phủ, Hứa Do, Lã Vọng, Khổng Minh, Nghiêm Quang hay bọn “bát tiên”, “lục dật” ở Trung Hoa, hoặc Trần Nguyên Đán, Nguyễn Bỉnh Khiêm, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Khuyến ở Việt Nam… đã đi vào huyền thoại và trở thành điển cố.

Nguyễn Trãi đã nhiều lần khẳng định mình sau khi ông đã giải quyết xong bài toán hành – tàng, xuất – xử:

Ngán vòng thế tục thân danh hão,
Quẳng cái phù sinh giấc mộng hờ.
Tính khí một đời nguyên nếp cũ,
Lênh đênh há giảm chí hào xưa!

(Đêm đậu thuyền ở cửa Lâm)

– Ngô Linh Ngọc dịch

Ngoài năm mươi tuổi, ngoài chưng thế,
Ắt đã tròn bằng nước ở bầu.

hoặc:

Non lạ nước thanh làm náu,
Đất phàm cõi tục cách xa.
Cốt lạnh hồn thanh chăng khứng hoá
(không chịu đổi).

Vận dụng triết lí Lão – Trang, sống thoát tục, Nguyễn Trãi càng nhận thức sâu sắc một chân lí của muôn đời:

Dưới công danh đeo khổ nhục,
Trong dầu dãi có phong lưu.

Và ông hướng tới một lí tưởng mới: nếu không còn điều kiện để làm một quốc sĩ thì hãy làm một con người thật sự trong sạch và thánh thiện. Đó không phải là điều đáng mơ ước cho chúng sinh trong vòng ô trọc sao:

Phú quí chẳng tham, thanh tựa nước.

Tuy nhiên, đặc tính của một nhân cách lớn là tối kị lối sống “hư sinh” (sống thừa). nguyễn Trãi chính là biểu hiện rực rỡ của cái chân lí về người quân tử mà Kinh Dịch đã nói: “Trời chuyển vần mãnh liệt, quân tử cũng tự tạo sức mạnh mà không ngừng nghỉ.” (Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức). Trong thời gian ở ẩn tại Côn Sơn, ông đã làm bao nhiêu việc lớn lao vĩ đại, không hề thua kém việc ông tham gia kháng chiến chống Minh trước đó: tu thân, tìm ra triết lí sống mới, tổng kết những bài học về thế sự và nhân sinh, viết sách giáo khoa luân lí đạo đức, và sáng tạo cả một công trình vĩ đại về thi ca Hán – Nôm.

Ông hiểu thấu rằng luân lí, đạo đức, thuần phong mĩ tục… là nền tảng cho đời sống hạnh phúc lâu dài của con người. Vì vậy, ông đã trước tác một tác phẩm chuyên về luân lí đạo đức mang tên Bảo kính cảnh giới (Gương quí răn mình) trong đó ông đúc kết nên những khuôn vàng thước ngọc của nền đạo đức dân tộc. Những bài “đức dục” ấy của ông, trải qua năm sáu trăm năm, đến nay dường như vẫn còn nóng hổi và sát thực với chúng ta:

– Kết bạn, mạ (chớ) quên người cố cựu,
Yên nhà nỡ phụ vợ tao khang?
– Trừ độc trừ tham trừ bạo ngược,
Có nhân có trí có anh hùng.
– Cơm ăn miễn có, dầu thô bạc,
Áo mặc âu chi quản cũ đen.
– Đồng bào cốt nhục nghĩa càng bền,
Cành bắc cành nam một cỗi nên.
Ở thế nhịn nhau muôn sự đẹp…
– Của thết người là của còn,
Khó khăn, phải đạo cháo càng ngon.
– Bất nhân vô số nhà hào phú,
Của ấy nào ai từng được chầy (lâu)?
– Sắc là giặc, đam làm chi?
Trụ mất quốc gia vì Đát Kỉ
Ngô lìa thiên hạ bởi Tây Thi…

Không hề giáo điều với chủ nghĩa ẩn cư, khi được ông vua trẻ Lê Thái Tông mới lên ngôi mời ra giúp việc triều đình, Nguyễn Trãi lại vui vẻ “nhập thế”. Ông lại lao vào một cuộc chiến đấu mới hết sức gay go. Khi ấy nhà vua còn trẻ, lười học hành, ham chơi bời, sớm vướng víu chuyện thê nhi… Triều chính lục đục, nhất là chuyện phế lập thái tử, chuyện rắc rối giữa các bà phi… Với trách nhiệm của một bậc lương thần, ông ra sức chèo chống để hạn chế những hành động sai quấy của cả vua lẫn bọn quan lại trong triều. Chính vì vậy, ông trở thành tảng đá cản dòng đối với bọn gian thần. Cuối cùng, chúng lợi dụng cái chết đột ngột của Lê Thái Tông ở Lệ Chi Viên, vu cáo ông âm mưu giết vua và khép ông vào cái án tru di tam tộc!

Thảm hoạ và cái chết của Nguyễn Trãi phải được nhìn nhận như một hành vi tuẫn đạo của một bậc đại hùng đại đức, của một nhân cách vĩ đại. Nhân cách ấy vượt lên trên tầm của thời đại nhiễu nhương bấy giờ và hướng tới sự tất thắng của chân lí, đúng như những câu thơ ông viết:

Văn như vị táng dã quan thiên.

(Văn không tàn lụi cũng do trời)

Là một khai quốc công thần và đại thần của triều Hậu Lê, Nguyễn Trãi có thể dễ dàng đạt được tột đỉnh của vinh hoa phú quí, vậy mà ông đã khước từ tất cả và cuối cùng phải hi sinh đến ba họ chỉ vì chân lí, vì nhân nghĩa, vì nhân dân. Nhân cách cao thượng, trong sáng của ông quả có thể sánh với mặt trăng mặt trời.

NGUYỄN TRÃI – NHÀ VĂN HÓA VĨ ĐẠI

Từ xưa, loài người đã từng sản sinh ra một mẫu người vô cùng hiếm hoi: mẫu nhân tài bách khoa như Léonard de Vinci (1452 – 1519). Nguyễn Trãi của Việt Nam thuộc mẫu người đó. Ông đồng thời là nhà chính trị lỗi lạc, nhà bác học và nhà thơ vĩ đại. Ông nghiên cứu và có nhiều trước tác thuộc nhiều lĩnh vực của tự nhiên và xã hội như: quân sự (Quân trung từ mệnh tập), địa lí (Ức Trai dư địa chí), lịch sử (Lam Sơn thực lục), điển phạm của triều đình (Giao từ đại lễ), pháp luật của quốc gia (Luật thư – tác phẩm sau này được Lê Thánh Tông sử dụng làm nội dung căn bản của bộ luật vĩ đại: Bộ luật Hồng Đức), âm nhạc (ông là người tổng kết âm luật nhạc dân tộc để soạn ra quốc nhạc, chế định các nhạc cụ của ban nhạc triều đình, là tác giả chế tạo khánh đá), văn học (gồm cả văn và thơ chữ Hán và chữ Nôm).

Trong luận văn này, chúng tôi xin đi sâu trình bày về sự nghiệp thơ văn Hán và Nôm kì vĩ của ông.

Nguyễn Trãi là cây đại thụ toả bóng rợp ngàn năm cho hậu thế. Trước ông, thơ nôm đã xuất hiện và còn để lại chứng tích ở đời Trần với Hàn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố, Chu Văn An, Trần Quí Khoáng, Nguyễn Biểu… (hầu hết tác phẩm của họ đã thất truyền). Những tác phẩm còn sót lại được viết khá bóng bẩy nhưng vẫn còn mang nặng khuôn sáo thơ cổ điển Trung Hoa.

Thơ quốc âm của Nguyễn Trãi là di sản quí báu nhất của thời kì sơ khai nền văn học dân tộc. Ông chính là một trong những “ông tổ thơ nôm” đã đặt nền móng cho nền thơ ca thành văn của dân tộc sẽ phát triển không ngừng ở các thời đại sau.

Kì tích đầu tiên của Nguyễn Trãi với thơ nôm là việc ông nhận thức được giá trị và chú tâm khai thác vốn từ ngữ của Tiếng Việt, một ngôn ngữ có đặc tính đẹp đẽ, tinh tế, biểu cảm, giàu tính tượng hình và thượng thanh, giàu âm điệu… Ông đã chọn lọc, sáng tạo thêm và sử dụng chúng trong thơ với tư cách là những từ ngữ văn học nôm đích thực như: quẩy trăng, ngại bước, thu lành lạnh, nguyệt chênh chênh, cây rợp, dửng dưng ca, hớp nguyệt, nguyệt hiện, thanh tựa nước, chim kêu cá lội, hoa xảy động, nguyệt đeo về, tổ ong tàng, núi láng giềng, mây khách khứa, say mùi đạo, đầy qua nóc, nặng với then, nắng quáng, cây im thưa thớt, gió khoan khoan đến, tơ vết, mồ hoang cỏ lục, cài lướt then, chân đi đủng đỉnh, vận xênh xang, nước biếc non xanh, đêm chờ hương quế, ngày lệ bóng hoa, nguyệt một vầng, thu vàng, tuyết bạc, ngàn núi xanh, nguyệt ba canh, lao xao chợ cá, dắng dỏi cầm ve, phơ phơ đầu bạc, leo lẻo doành xanh …

Ông cũng mạnh dạn chuyển ngữ sang tiếng Việt nhiều từ ngữ, thành ngữ gốc tiếng Hán để cho người Việt dễ hiểu như: tường đào ngõ mận, câu quạnh cày nhàn, đạp áng mây, tấc lòng ưu ái, câu mầu, non lạ nước thanh, biển hiểm, ẩn cả, ba thân, hỏi trăng, cả dùng, cởi buồn, dưỡng dỗ, đi nghỉ, lòng thế…

Một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Trãi là việc thay thế những câu 7 âm tiết trong thơ Đường Trung Hoa thành những câu 6 âm tiết trong thơ nôm:

Góc thành nam lều một gian,
No nước uống thiếu cơm ăn.
Con đòi trốn dường ai quyến,
Bà ngựa gầy thiếu kẻ chăn…

Không chỉ là bậc thầy sử dụng và sáng tạo ngôn ngữ thơ nôm, Nguyễn Trãi còn tỏ rõ ông là nhà thơ nôm thiên tài của dân tộc. Những nhà thơ lớn nhất của các thời đại sau, xét theo quan điểm lịch sử, không ai có thể vượt nổi ông.

Hầu hết thơ tả cảnh của ông đều là những kiệt tác. Có những câu thơ cực kì tài tình khiến những nhà thơ hiện đại phải kinh ngạc, khâm phục như:

– Tà dương bóng ngả áp giang lâu,
Thế giới đông nên ngọc một bầu.
– Cửa song dãi xâm hơi nắng,
Tiếng vượn vang kêu cách non.
Cây rợp tán che am mát,
Hồ thanh nguyệt hiện bóng tròn.
Cò nằm hạc lặn nên bầy bạn
Ủ ấp cùng ta làm cái con.
– Đủng đỉnh chiều hôm giắt tay
Trông thế giới phút chim bay.
Non cao non thấp mây thuộc,
Cây cứng cây mềm gió hay.
– Trà tiên nước kín, bầu in nguyệt,
Mai rụng hoa đeo bóng cách song.
Gió nhặt đưa qua ổ trúc,
Mây tuôn phủ rợp thư phòng.
– Phơ phơ đầu bạc ông câu cá,
Leo lẻo doành xanh con mắt mèo.
– Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.
Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

Những câu thơ như vậy đâu có thua kém những câu tuyệt tác nhất của thơ Đường Trung Hoa hay của bất kì một nền thơ ưu tú nào trên thế giới? Phải chăng đây đích thực là thứ thơ mà người đời gọi là thơ tiên?

Thơ tả tình của Nguyễn Trãi cũng tài hoa không kém: những rung động tinh tế nhất của tâm hồn nhà thơ thời xưa được diễn tả một cách thần tình:

– Loàn đơn (liều lĩnh) ướm hỏi khách lầu hồng:
Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng!
Ngoài ấy dù
(nếu) còn áo lẻ,
Cả lòng
(rộng lòng) mượn đắp lấy hơi cùng!
– Xuân xanh chưa dễ hai phen lại,
Thấy cảnh càng thêm tiếc thiếu niên.
– Vì ai cho cái đỗ quyên kêu?
Tay ngọc dùng dằng chỉ biếng thêu.
Lại có hoè hoa chen bóng lục,
Thức xuân một điểm não lòng nhau…

Bằng thơ nôm, Nguyễn Trãi đã diễn đạt được một cách sắc sảo và đầy rung cảm thế giới tâm tư phong phú, phức tạp, nhiều uẩn khúc của ông: những khát vọng, tâm sự ưu thời mẫn thế, những nỗi đắng cay và cả nỗi buồn được chế ngự bởi cốt cách của một bậc đại trượng phu, một vị đại ẩn sĩ:

– Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải,
Góc thành nam lều một gian.
– Quân thân chưa báo lòng canh cánh,
Tình phụ cơm trời, áo cha!
– Bạn cũ thiếu, ham đèn mấy sách,
Tính quen chăng, kiếm trúc cùng mai?
– Liệu cửa nhà xem bằng quán khách,
Đem công danh đổi lấy cần câu.
– Lòng một tấc son còn nhớ chúa,
Tóc hai phần bạc bởi thương thu.
– Cội cây là đá lấy làm nhà,
Lân các, ai hầu mạc
(vẽ) đến ta?
– Say mùi đạo, trà ba chén,
Tả lòng phiền, thơ bốn câu.
– Giang sơn cách đường ngàn dặm,
Sự nghiệp buồn đêm trống ba.
– Tuổi cao tóc bạc, cái râu bạc,
Nhà ngặt
(nghèo) đèn xanh con mắt xanh.
– Lòng người một sự yêm
(chán) chưng một,
Đèn khách mười thu lạnh hết mười!
– Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông…

Thật diệu kì: những dòng tâm sự hàm chứa những nỗi đau buồn sâu xa ấy, đã sáu trăm năm rồi mà nay đọc lại, những kẻ hậu sinh nặng lòng thương xót vĩ nhân vẫn còn sa lệ!

Bằng khối óc mẫn tuệ của nhà hiền triết và sự trải đời ít ai sánh được, Nguyễn Trãi đã đúc kết trong thơ nôm rất nhiều triết lí thâm thúy. Một điều đặc sắc là thơ triết lí của ông không khô khan mà giàu cảm xúc nghệ thuật, khi đọc lên nghe tựa như những lời cảm thán với nhân tình thế thái:

– Dưới công danh đeo khổ nhục,
Trong dầy dãi có phong lưu.
– Có thân chớ phải
(bị) lợi danh vây.
– Nếu có ăn thì có lo,
Chẳng bằng cài cửa ngáy pho pho.
– Đã biết cửa quyền nhiều hiểm hóc,
Cho hay đường lợi cực quanh co!
– Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn,
Lòng người quanh nữa nước non quanh.
– Sang cùng khó bởi chưng giời,
Lăn lóc làm chi cho nhọc hơi?
– Con cháu chớ hiềm
(ngại) song viết (cơ nghiệp) ngặt (nghèo)
Thi thư thực ấy báu ngàn đời.
– Chỉn sá (rất nên) lui mà thủ phận.
– Ngựa ngựa xe xe la ỷ
(lụa là) tốt,
Dập dìu là ấy chiêm bao.
– Phượng những tiếc cao, diều hãy lượn,
Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi.
– Mã
(chớ) trách thế gian lòng đạm bạc,
Thế gian đạm bạc, đấy lòng thường!

Mang tầm vóc của một bậc thánh sư, Nguyễn Trãi đã dùng thơ nôm để truyền đạt đến đồng bào của ông những triết lí sống có giá trị nhất, đã góp phần đắc lực xây dựng nền đạo đức và nếp sống văn hoá của dân tộc ta trong thế kỉ XV mà ý nghĩa của nó sẽ được các thời đại sau kế tục.

Nguyễn Trãi là một trong những người khai sáng nền thơ nôm thành văn của dân tộc ta. Đồng thời, với thiên tài thi ca, ông trở thành nhà thơ tiếng Việt (thơ nôm) vĩ đại hàng đầu trong làng thơ Việt Nam kim cổ, là bậc thầy thơ nôm của tất cả nhà thơ các thời đại sau.

Không những là thi hào thơ nôm, Nguyễn Trãi đồng thời là văn thi hào chữ Hán lỗi lạc, để lại uy danh muôn thuở.

Bình Ngô đại cáo của ông đuợc coi là một áng “thiên cổ hùng văn”, một bản tuyên ngôn độc lập thứ hai sau bài “Nam quốc sơn hà…” của Lí Thường Kiệt, đã làm phấn chấn tâm hồn người Việt suốt hơn 5 thế kỉ rưỡi qua.

Bài cáo nêu bật lí tưởng cứu nước cứu dân, tinh thần nhân nghĩa, trí tuệ, khí phách và ý chí dời non lấp biển của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Bằng lối văn biền ngẫu đặc trưng của văn chương cổ điển, bằng giọng văn khi lâm li khi hùng tráng, tác giả đã trình bày cặn kẽ lịch trình của cuộc kháng chiến, ca ngợi chiến thắng vô cùng hiển hách của dân tộc ta:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Từ Triệu – Đinh – Lí – Trần nối đời dựng nước,
Cùng Hán – Đường – Tống – Nguyên hùng cứ một phương.
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt không bao giờ thiếu.
… Lấy đại nghĩa thắng hung tàn,
Lấy chí nhân thay cường bạo.
Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật,
Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay…
Nó trí cùng lực kiệt, chờ chết bó tay,
Ta mưu phạt tâm công, không chiến cũng thắng.
… Nó đã tham sống sợ chết, thực bụng cầu hoà,
Ta coi toàn quân là hơn, để dân nghỉ sức.
… Xã tắc do đó vững bền,
Non sông từ đây đổi mới…

(Bản dịch trong Đại Việt sử kí toàn thư)

Quân trung từ mệnh tập gồm những bức thư chữ Hán của Nguyễn Trãi viết thay Lê Lợi gửi cho bọn tướng đầu sỏ của giặc như Phương Chính, Vương Thông, đã thể hiện sinh động chủ trương “mưu phạt tâm công, không chiến cũng thắng” của ông và nghĩa quân Lam Sơn. Tất cả những bức thư ấy đều dùng lối văn nghị luận sắc bén, hào hùng, thể hiện một trí tuệ hơn hẳn và thế thượng phong của quân ta, giáng cho giặc những đòn cân não khiến chúng kinh hãi, rốt cuộc phải tính chước cầu hoà, hạ vũ khí nộp thành và lủi thủi rút về nước! Dưới đây chúng tôi xin trích dẫn một trong những bức thư ấy (đã dịch sang tiếng Việt):

                                     Thư lại dụ hàng Vương Thông

… Nay các ông kế cùng sức tận, quân sĩ mỏi mệt, trong thiếu lương thực, ngoài thiếu viện binh, bám hờ khu đất nhỏ mọn, nghỉ tạm ở cái thành trơ trọi, chẳng phải như thịt trên thớt, như cá trong nồi đó sao?
… Nay ta tính hộ các ông có sáu điều phải thua:
– Nước lụt chảy, tường rào đổ sập, lương cỏ thiếu thốn, ngựa chết quân ốm. Đó là điều phải thua thứ nhất.
– Nay những nơi quan ải hiểm yếu đều có quân và voi ta đồn giữ, nếu viện binh đến, thế tất phải thua, mà viện binh đã thua thì các ông tất bị bắt. Đó là điều phải thua thứ hai.
– Nước các ông quân mạnh ngựa tốt đều đóng cả ở đất Bắc phòng bị quân Nguyên, không rỗi ngó đến miền Nam. Đó là điều phải thua thứ ba.
– Nước các ông luôn động can qua, liên tiếp gây sự đánh dẹp làm cho người ta sống không vui, nhao nhao thất vọng. Đó là điều phải thua thứ tư.
– Nước các ông gian thần chuyên chính, chúa yếu giữ ngôi, xương thịt hại nhau, mối hoạ bùng ra từ trong nhà. Đó là điều phải thua thứ năm.
– Chúng ta dấy nghĩa binh trên dưới cùng lòng, anh hùng dốc sức, quân sĩ ngày càng luyện, khí giới ngày càng tinh, vừa cày ruộng lại vừa đánh giặc. Đó là điều phải thua thứ sáu.
Nay các ông giữ một cái thành cỏn con để chờ sáu điều thất bại, tôi lấy làm tiếc cho các ông lắm!…

Thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi là thơ ở đỉnh cao, không thua thơ Đường, Tống. Cùng với những cây bút thơ chữ Hán cự phách của Việt nam như Đặng Trần Côn, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến…, thơ của ông đã góp phần quan trọng tạo dựng một nền thơ chữ Hán kì vĩ trong quá khứ trên đất nước ta.

Vì sao tổ tiên ta lại dùng chữ Hán để viết văn, làm thơ về những đề tài hoàn toàn thuộc đất nước và dân tộc ta? Theo thiển ý của chúng tôi, đó không phải một điều đáng mừng, đáng hoan nghênh như quan điểm của những đầu óc thiếu khả năng phán đoán và nắm bắt chân lí. Bởi còn gì tuyệt diệu hơn là dùng chính Tiếng Việt – tiếng mẹ đẻ – để viết tác phẩm cho tất cả người Việt cùng nghe, cùng hiểu, không phải thông dịch? Do đó, việc phải tiếp tục dùng chữ Hán để trước tác văn chương cũng như dùng làm văn tự chính thức trong bộ máy hành chính quốc gia suốt bao nhiêu thế kỉ tự chủ (sau thời Bắc thuộc), chỉ là việc “không thể nào khác được” của dân tộc ta mà thôi. Trong một nghìn năm Bắc thuộc, bọn thống trị phương Bắc muốn biến nước ta thành quận huyện của Trung Hoa. Vì vậy mà chữ Việt cổ bị tiêu diệt, tiếng Việt bị khinh rẻ, bị gạt ra ngoài, Tiếng Hán (dưới dạng âm Hán – Việt) và chữ Hán đương nhiên giữ địa vị độc tôn. Phải mất vài thế kỉ của thời đại tự chủ, người Việt mới chế tác ra chữ Nôm để ghi chép tiếng Việt, bổ khuyết một lỗ hổng lớn của nền văn hóa dân tộc.

Trong hoàn cảnh “bất khả kháng” đó, Nguyễn Trãi cũng như các trí thức phong kiến khác, đã nhạy bén dùng chính chữ Hán để trước tác nên những tác phẩm thuộc đủ mọi lĩnh vực mang nội dung hoàn toàn Việt Nam. Và điều vô cùng đáng tự hào là những trước tác đó đã đạt tới trình độ tương đương với những trước tác chính cống của Trung Hoa. Chúng tôi xin trích dẫn một kiệt tác thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi:

Bạch Đằng hải khẩu

Sóc phong xuy hải khí lăng lăng,
Khinh khởi ngâm phàm quá Bạch Đằng.
Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc,
Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng.
Quan hà bách nhị do thiên thiết,
Hào kiệt công danh thử địa tằng.
Vãng sự hồi đầu ta dĩ hĩ,
Lâm lưu phủ ý cánh nan thăng.

Cửa biển Bạch Đằng

Biển rung gió bấc thế bừng bừng,
Nhẹ cất buồm thơ lướt Bạch Đằng.
Kình ngạc băm vằm non mấy khúc,
Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng.
Quan hà hiểm yếu trời kia đặt,
Hào kiệt công danh đất ấy từng.
Việc trước quay đầu ôi đã vắng,
Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng.]

Nguyễn Đình Hổ dịch

Nội dung thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi cũng phong phú như thơ nôm của ông: Có bài hùng hồn giống như Bình Ngô đại cáo (ví dụ bài thơ trên), có bài mô tả thiên nhiên tuyệt mĩ:

Yên Sơn sơn thượng tối cao phong,
Tài ngũ canh sơ nguyệt chính hồng.
Vũ trụ nhãn cùng thương hải ngoại,
Tiếu đàm nhân tại bích vân trung…

(Đề Yên Tử sơn Hoa Yên tự)

[Trên dải Yên Sơn đỉnh tuyệt vời,
Đầu canh năm đã sáng trưng rồi.
Mắt ngoài biển cả ôm trời đất,
Người giữa mây xanh vẳng nói cười…]

Khương Hữu Dụng dịch

Có nhiều bài hàm chứa những tâm sự thẳm sâu, những nỗi đau đời của một con người vô cùng cao thượng nhưng lại phải trải qua bao cảnh thăng trầm giữa cuộc đời điên đảo:

Phù trục thăng trầm ngũ thập niên,
Cố sơn tuyền thạch phụ tình duyên.
Hư danh thực hoạ thù kham tiếu,
Chúng báng cô trung tuyệt khả liên!

(Oan thán)

[Biển tục thăng trầm nửa cuộc đời,
Non xưa suối đá phụ duyên rồi.
Trung côi, ghét lắm, bao đau xót,
Hoạ thực danh hư khéo nực cười!]

Thạch Can dịch

Nguyễn Trãi từng có một nhận định sâu sắc: “Nước ta tuy ở xa ngoài Ngũ lĩnh, nhưng từ xưa đã nổi tiếng là một nước thi thư”. Ở thời đại ông, những tinh hoa của cái thi thư ấy kết tinh nơi ông, và ông có niềm tin sắt đá vào sự bất diệt của nó. Chính vì vậy mà khi lâm nạn, bị Lê Thái Tổ hạ ngục năm 1429, ông viết:

Số hữu nan đào tri thị mệnh,

Văn như vị táng dã quan thiên.

(Số khó lọt vành âu bởi mệnh,
Văn chưa tàn lụi cũng do trời)

Nguyễn Trãi đã mang niềm tin ấy để ung dung đi vào cõi vĩnh hằng. Thiên ở đây là gì? Là chân lí vĩnh cửu.

Lịch sử đã chứng minh hùng hồn chân lí vĩnh cửu mà ông hằng ôm ấp. Sự nghiệp vĩ đại của ông về chính trị, quân sự, văn chương, và phẩm cách cao cả, danh hiệu “anh hùng dân tộc” của ông ngày nay đã được toàn dân tộc ta xác nhận, tôn thờ. Không chỉ thế, vào năm 1980, nhân kỉ niệm 600 năm ngày sinh của ông, ông đã được cả loài người tôn vinh là danh nhân văn hoá thế giới.

Dân tộc ta xiết bao tự hào đã sản sinh ra một con người toàn thiện làm vẻ vang cho đất nước và dân tộc!

Ở Trung Hoa, những tác phẩm văn hoá lớn của các bậc thánh hiền được gọi là những bộ KINH như: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu.

Thiết nghĩ toàn bộ trước tác bất hủ của Nguyễn Trãi rất xứng đáng với tầm vóc và danh hiệu một bộ KINH của người Việt để toàn dân tộc học tập, nghiền ngẫm trên con đường đi tới tương lai. Đó cũng chính là sự trả lời của hậu thế với câu hỏi da diết của ông:

Hậu học thùy tương tác chuẩn thằng?
(Mực thước người sau học nữa chăng?)

Nguồn: http://newvietart.com


Bình luận về bài viết này

Chuyên mục